Vấn nạn phát triển hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Tác giả : haind
|
Lượt xem : 533
|
Chia sẻ bài viết

13/10/2023

Vấn nạn phát triển hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Nội dung

Nhiều người do khó khăn, không thể thanh toán các khoản nợ vay online đúng hạn đã tham gia các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm, rủ nhau bùng nợ, trốn nợ trên mạng. Hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay online đang ngày càng phát triển trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến công ty tài chính uy tín mà còn vi phạm pháp luật.

Nở rộ các hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay nhiều hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng, vay online đã mọc lên như nấm. 

Có thể dễ dàng tìm kiếm như: Nhóm CẬP NHẬT APP VAY MỚI - CÁCH BÙNG APP VAY VÀ CÁCH ĐỐI PHÓ với 101 ngàn thành viên, Hội Bùng App Cho Vay Oline 2023 với hơn 34 ngàn thành viên, Hội bùng app vay tiền online - Chia sẻ cách đối phó với hơn 61 ngàn thành viên…

Tính thực hư của những thông tin được chia sẻ trên các hội nhóm này chưa thể xác định, nhưng đã có nhiều người vào comment hỏi kinh nghiệm.

Vấn nạn phát triển hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Tràn lan các group và Page rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Theo Phó Giám đốc Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội - ông Trần Thế Anh: Một bộ phận người dân có nhu cầu vay các khoản nhỏ để chi tiêu cá nhân, một số đơn vị đã triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng qua app với điều kiện đơn giản, chỉ cần một số thông tin, giấy tờ chứng minh nhân thân là có thể giải ngân khoản vay.

Việc thu hồi những khoản nợ nhỏ này gần như phụ thuộc vào tính tự giác của người vay. Thậm chí, một số cá nhân còn cung cấp sai thông tin, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để vượt qua khâu thẩm định. Chính vì có thể vay quá dễ dàng nên nhiều người nảy sinh tâm lý “bùng nợ”

Nhất là trên các trang mạng xã hội, các thông tin khó có thể kiểm chứng được nên nhiều người có thể chia sẻ các nội dung hư cấu về việc vay và cho vay online nhằm lôi kéo người khác vào các hội nhóm chia sẻ “kinh nghiệm bùng app”.

Tìm hiểu: Underbanked là gì?

Người lập hội nhóm bùng nợ có thể bị xử phạt đến 7 năm tù

Việc xuất hiện ngày càng nhiều hội nhóm rủ nhau bùng tiền của app cho vay khiến các công ty tài chính, tín dụng tăng tình trạng nợ xấu và luôn trong trạng thái bất an và có thể mất tiền bất cứ lúc nào.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc lập các hội nhóm chia sẻ thông tin, bài viết liên quan đến kinh nghiệm “bùng nợ” và mời bạn bè tham gia là vi phạm pháp luật.

Không ít trường hợp khách hàng vay tiền từ các app cho vay không uy tín hay tổ chức “tín dụng đen”, nhưng khi đến hạn thì không có tiền trả nợ, họ nảy sinh ý muốn bùng tiền và tìm đến các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm xù nợ, quỵt nợ để học hỏi kinh nghiệm.

Hầu hết các trường hợp bùng app cho vay tiền online đều lợi dụng kẽ hở của quy trình duyệt hồ sơ tự động. Người vay sử dụng sim rác hay tài khoản Facebook, Zalo ảo, danh bạ ảo, làm giả giấy tờ…để lách qua kẽ hở này.

Vấn nạn phát triển hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Cá nhân học hỏi kinh nghiệm bùng nợ từ các hội nhóm trên mạng xã hội

Việc chia sẻ những thông tin với ý định xấu là không phù hợp với đạo đức và pháp luật. Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định, những hội nhóm trên mạng xã hội vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Người, nhóm người thành lập và quản lý hội nhóm (admin) sẽ phải chịu trách nhiệm nếu nội dung, hoạt động mà họ đưa ra có nội dung kích động hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật.

Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, những người xúi giục, kích động người khác, chia sẻ cách lừa đảo cho người khác, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết để người thực hiện hành vi lừa đảo đều có dấu hiệu của tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Đối chiếu với các quy định tại Bộ luật Hình sự, những người quản lý, đứng đầu hội nhóm chia sẻ thông tin, bài viết xúi giục và hỗ trợ người khác “bùng nợ”, trốn nợ, quỵt nợ sẽ có thể bị xử phạt đến 7 năm tù giam do gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng.

Bùng nợ khi vay online bị xử lý thế nào trước pháp luật?

Với điều kiện cho vay đơn giản, không cần gặp mặt, nhận tiền giải ngân nhanh… hình thức vay tiền online qua các web và app nhanh chóng trở thành xu hướng của những người “kẹt tiền”. Tuy nhiên, nhiều người vay xong không có khả năng để chi trả lại tìm đến hội “bùng tiền” app vay online để kiếm kinh nghiệm nhằm quỵt nợ.

Bên cạnh người đứng đầu, lập và quản lý, điều hành các hội nhóm bùng nợ phải chịu trách nhiệm hình sự, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cũng nhắc đến hình phạt mà người vay quỵt nợ phải đối mặt.

Vấn nạn phát triển hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng

Bùng nợ vay tiêu dùng, online là hành vi phạm pháp

Hành vi gian lận và bùng nợ phổ biến như: Sử dụng giấy tờ giả, lợi dụng kẽ hở từ app vay tiền để vay tiền với mục đích sử dụng chi tiêu cá nhân, đến thời hạn trả nợ nhưng không trả, cố tình thực hiện các hành vi như bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn, tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng…

Nếu đủ căn cứ chứng minh người vay có hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích chiếm đoạt tiền từ các tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng dịch vụ app cho vay thì đây là dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mỗi cá nhân khi vay tiền đều sẽ có nghĩa vụ phải trả nợ. Việc bùng nợ hay lập hội nhóm, chia sẻ các thông tin hướng dẫn, xúi giục người khác bùng nợ, bùng app là phạm pháp và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho lịch sử tín dụng của bạn sau này. Bất cứ ai đang có ý định bùng app hãy cân nhắc đến những gì được và mất từ hành vi này nhé.

Bảng tính trả góp

Số tiền trả mỗi tháng

7.334.399 đ

Ghi chú: Thông tin tính toán số tiền phải trả hàng tháng như trên chỉ mang tính chất tham khảo và có thể sai lệch nhỏ so với kết quả tính toán thực tế