Gian lận ngân hàng - Nguy cơ và cách phòng tránh

Tác giả : haind
|
Lượt xem : 1114
|
Chia sẻ bài viết

26/06/2023

Gian lận ngân hàng - Nguy cơ và cách phòng tránh

Nội dung

 

Nguy cơ gian lận ngân hàng đến từ sự giả mạo tinh vi khiến khách hàng nhầm lẫn, tưởng tin nhắn hay website của ngân hàng nên đã rơi vào bẫy của kẻ tặc. Cùng Vclick tìm hiểu các hình thức gian lận và cách phòng tránh nhé.

1. Tổng quan

Gian lận ngân hàng và lừa đảo tín dụng đã xuất hiện từ lâu, thế nhưng trong thời đại 4.0 như hiện nay thì sự việc ngày càng nghiêm trọng và phổ biến. Sự gian lận có thể đến từ nội bộ của các thành viên trong ngân hàng hoặc từ kẻ gian bên ngoài khai thác lỗ hổng, có được thông tin khách hàng từ đó tận dụng để lừa đảo.

Khi smartphone và các dịch vụ trực tuyến nở rộ thì việc bảo mật thông tin được quan tâm đặc biệt. Theo thống kê của Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Trung Ương, hiện nay Việt Nam đang có khoảng 45 triệu tài khoản ngân hàng của cá nhân, thanh toán và giao dịch tài chính trên internet tăng 68.8% về số lượng và 13.4% về giá trị so với năm 2018.

Phần lớn các giao dịch đều được thực hiện trên điện thoại di động với sự tham gia của nhiều nền tảng di động, ví điện tử… Thế nhưng khả năng bảo mật không theo kịp sự phát triển này nên dẫn đến sự lừa đảo tài chính.

Việc các ngân hàng Nhà nước và thương mại tại Việt Nam áp dụng các nền tảng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động hàng ngày và phát triển sản phẩm, dịch vụ là điều cần làm để đảm bảo lợi ích của khách hàng và ngân hàng.

Gian lận ngân hàng - nguy cơ và cách phòng tránh

Gian lận ngân hàng và lừa đảo tín dụng ngày càng phổ biến

2. Gian lận ngân hàng là gì?

Gian lận ngân hàng hay gian lận tín dụng là hình thức sử dụng các phương tiện bất hợp pháp để có được tiền từ người gửi tiền bằng cách giả mạo ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác khiến khách hàng nhầm lẫn.

Trong khá nhiều trường hợp, gian lận ngân hàng có thể là một tội phạm hình sự khi đó là hoạt động chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dùng. Trong khi các yếu tố cụ thể của một đạo luật chống gian lận ngân hàng có thể khác nhau giữa các chế định pháp lý. 

Thuật ngữ gian lận ngân hàng cũng có thể áp dụng đối với các hành động có sử dụng một mưu đồ hoặc thủ đoạn công nghệ cao, tận dụng lỗ hổng trong quy trình và bảo mật của ngân hàng.

3. Các hình thức gian lận - giả mạo

a. Lừa đảo sử dụng kỹ thuật

Gần đây, nhiều người dùng cho biết đã bị những email, tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hoặc bài đăng trên mạng xã hội và tin nhắn trực tiếp đánh lừa bạn cung cấp mật khẩu, thông tin tài khoản hoặc dữ liệu cá nhân khác.

Những kẻ này thiết kế website và phong cách nhắn tin khá tương đồng với ngân hàng nên không ít khách hàng đã bị lừa,. Nội dung có thể báo tài khoản đã bị đăng nhập ở địa chỉ khác và yêu cầu khách hàng nhấn vào đường link để đổi lại tài khoản khác. Khi khách hàng nhấn vào đường link, mở lại tài khoản thì sẽ bị kẻ gian truy cập và mất toàn bộ số tiền.

b. Đánh cắp dữ liệu hoặc mua bán trái phép

Việc đánh cắp dữ liệu và mua bán dữ liệu trái phép không còn xa lạ. Nhiều trang web sử dụng cookie trái phép để thu thập những thông tin về cá nhân người dùng sau đó bán lại. Theo thống kê thì khoảng ⅔ dân số Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu cá nhân trên mạng và có đến 1300GB dữ liệu cá nhân của người Việt bị mua bán trên mạng.

Việc mua bán này công khai đến mức bạn hoàn toàn có thể tra cứu tại Google. Nhiều doanh nghiệp  liên quan đến bảo hiểm, đào tạo, kinh doanh bất động sản đã mua lượng lớn dữ liệu để sử dụng trái phép hoặc cung cấp cho bên thứ 3 để thu lợi ích.

c. Dùng Bot điền thông tin xác thực

Chiêu này tinh vi và đòi hỏi công nghệ cao. Kẻ gian sẽ giả mạo trang web của ngân hàng và gửi đến cho người dùng, yêu cầu bạn phải đăng nhập để làm một số thao tác quan trọng như đăng nhập tài khoản ngân hàng, nhập password, sau đó hệ thống gửi mã OTP về máy và yêu cầu bạn nhập OTP đó lên trang web giả mạo và như vậy, website giả mạo sẽ thành công trong việc kiểm soát tài khoản ngân hàng của bạn.

Gian lận ngân hàng - nguy cơ và cách phòng tránh

Gian lận ngân hàng thường lợi dụng lỗ hổng bảo mật của các tổ chức

d. Trộm cắp danh tính

Những kẻ trộm danh tính sử dụng công nghệ cao để lấy thông tin cá nhân của người khác để lừa đảo danh tính. Để tìm thông tin như vậy, họ có thể lừa người dùng tải file có mã độc nhằm tìm kiếm ổ cứng của máy tính bị đánh cắp hoặc bị loại bỏ hoặc có thể xâm nhập vào máy tính hoặc mạng máy tính; truy cập hồ sơ công cộng của cá nhân, sử dụng phần mềm độc hại để thu thập thông tin nhằm lây nhiễm vào máy tính, đăng bài lên các trang mạng xã hội ; hoặc sử dụng email, tin nhắn văn bản lừa đảo…

Xem thêm: Vay tín chấp ngân hàng bằng cccd

4. Các hình thức gian lận trực tuyến

a. Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi. Ngay cả khi các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo là chưa đủ và nguyên nhân vẫn chủ yếu thường do khách hàng tự mình để lộ thông tin do cả tin, thiếu hiểu biết.

Trong thời đại công nghệ 4.0, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện một số nghiệp vụ trực tuyến để tạo thuận lợi cho khách hàng, điều này khiến kẻ gian có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật để lên phương án lừa đảo khách hàng. Các phương thức lừa đảo vô cùng đa dạng và tinh vi như: Khách nhận được một cuộc gọi tự xưng là nhân viên của nhà mạng, đề nghị khách hàng hỗ trợ và nâng cấp SIM điện thoại rồi kích hoạt SIM điện tử (ESIM) trên điện thoại. 

Vì thế, tổng đài tự động của ngân hàng nhận được cuộc gọi từ số SIM đã đăng ký theo tên khách hàng yêu cầu cấp lại tên đăng nhập Internet Banking, được gửi về email mà khách hàng đã đăng ký trước đó.

Tiếp đến, kẻ gian đăng ký báo quên mật khẩu và yêu cầu ngân hàng cung cấp lại mật khẩu mới rồi chiếm đoạt tài khoản. Ngay sau đó, kẻ gian đã tất toán sổ tiết kiệm online của khách hàng hoặc chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản đi nhiều tài khoản ảo khác.

Để tránh bị lừa đảo theo cách này, khách hàng cần cảnh giác với mọi cuộc gọi, không cung cấp bất cứ thông tin gì của mình cho phía gọi đến. Nếu thấy bất cứ nghi ngờ nhỏ nào, hãy gọi trực tiếp đến tổng đài của ngân hàng để được hướng dẫn.

b. Mời mở tài khoản mới để lấy cắp danh tính

Những lời mời gọi mở tài khoản với ưu đãi hấp dẫn hay khẩn cầu cấp thiết... đều có thể là những cái bẫy nhằm lấy cắp thông tin cá nhân.

Trước đây, cách này rất phổ biến: Một nhóm người mời gọi, lôi kéo người dân đến ngân hàng để mở tài khoản cá nhân không những không mất tiền mà còn được nhận 100.000 đồng/tài khoản. 

Sau khi thu thập thông tin của những người có nhu cầu mở tài khoản, những người này đã đem thông tin cá nhân của những người này đi bán mà không hề mở tài khoản cho bất cứ ai.

Cũng với bẫy tuyển dụng nhân viên, nhiều bạn trẻ đã cung cấp thông tin cá nhân, sau đó các đối tượng này yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền cho mình nếu không sẽ rao bán các thông tin cá nhân hoặc dùng để vay nóng.

Có thể thấy những chiếc bẫy luôn rình rập quanh ta trong thế giới công nghệ. Để tránh rơi vào bẫy và bị rao bán thông tin danh tính, bạn không nên tin tưởng vào người lạ, không điền thông tin cá nhân của mình lên những trang web mà bạn chưa biết chắc nó thuộc đơn vị nào, có uy tín hay không.

Nếu cần mở tài khoản ngân hàng hay bất cứ tài khoản gì, hãy liên hệ trực tiếp với ngân hàng để được hướng dẫn, không nên liên hệ qua trung gian.

c. Yêu cầu bạn chuyển tiền

Gian lận ngân hàng - nguy cơ và cách phòng tránh

Nhiều cuộc gọi lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng

Cách lừa đảo tín dụng này không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Với cách này, kẻ gian đánh cắp tài khoản mạng xã hội của bạn bè bạn (tài khoản Zalo, Facebook…) sau đó nhắn tin cho bạn để hỏi thăm và mượn một khoản tiền để giải quyết việc đột xuất, hứa sẽ trả lại ngay.

Thế nhưng số tài khoản ngân hàng mà kẻ gian gửi lại mang tên của người khác mà không phải tài khoản của người bạn. Tiếp theo, chúng sẽ liên tục hối thúc bạn chuyển tiền vì cần rất gấp, nhiều người vì tin tưởng bạn bè mà chuyển tiền ngay khi chưa xác minh lại.

Gần đây, các phụ huynh nhận được cuộc gọi báo con bị tai nạn phải cấp cứu trong bệnh viện và cần ngay một khoản tiền lớn để đóng viện phí. Chúng phân vai cô giáo, bác sĩ… để nói chuyện, tạo sự tin tưởng cho phụ huynh. Trong lúc bối rối vì con gặp tai nạn nghiêm trọng, nhiều bậc phụ huynh đã quên không gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để xác minh lại thông tin mà vội vàng chuyển tiền ngay.

Việc lừa đảo này xảy ra do lộ thông tin con của bạn cũng như tên trường lớp. Để khắc phục, phụ huynh cần tránh đăng ảnh con lên mạng xã hội kèm theo thông tin về tên, lớp, trường, giờ học… và cũng phải kiểm tra, xác minh lại thông tin trước khi chuyển tiền (gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm, gọi video call cho bạn….)

d. Mạo danh ngân hàng

Tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn của ngân hàng liên tục gia tăng trở lại trong thời gian gần đây và đã được ngân hàng cảnh báo đến khách hàng. Kẻ gian có thể mạo danh là nhân viên ngân hàng hoặc gửi tin nhắn đến số máy bạn dùng để đăng ký mở tài khoản hoặc nhấn vào đường link, đăng nhập tài khoản nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Gian lận ngân hàng - nguy cơ và cách phòng tránh

Mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo, gian lận

Tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu qua tin nhắn khá phổ biến, nếu khách hàng truy cập vào đường link liên kết trong tin nhắn thì thông tin và tiền trong tài khoản sẽ “bốc hơi” ngay lập tức.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: "Đối tượng sử dụng thông tin được khách hàng cung cấp để truy cập và đăng nhập vào internet banking, sau đó thực hiện giao dịch gian lận. Khi ngân hàng phát hiện và tìm cách phong tỏa tài khoản thì tiền đã được chuyển đến nhiều tài khoản trung gian của các ngân hàng khác". Điều này khiến cho việc truy vết trở nên cực kỳ khó khăn và mất nhiều thời gian.

Thủ đoạn lừa đảo thứ hai là chiếm đoạt sim viễn thông để chiếm đoạt tài khoản và tài sản, đối tượng đã mua thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng được rao bán trên internet, sau đó chiếm đoạt sim điện thoại gắn với tài khoản thanh toán, cài đặt ứng dụng mobile banking. Sau đó thực hiện thao tác yêu cầu khôi phục mật khẩu và chiếm quyền sử dụng, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

5. Làm gì nếu bạn gặp những kẻ lừa đảo

a. Gọi cho ngân hàng nơi bạn có tài khoản

Ngay khi phát hiện mình là nạn nhân của gian lận ngân hàng, lừa đảo tín dụng, bạn cần gọi điện ngay cho phía ngân hàng để yêu cầu phong tỏa, khóa tài khoản ngay tức khắc, càng sớm càng tốt.

Gian lận ngân hàng - nguy cơ và cách phòng tránh

Gọi cho ngân hàng ngay để phong tỏa tài khoản để tránh mất sạch tiền

Với cách này, có thể bạn vẫn bị mất tiền bởi chỉ cần kẻ gian chiếm được tài khoản của bạn, chúng sẽ hành động ngay tức khắc. Tuy nhiên, ngay cả khi đã nhận được tin nhắn báo mất tiền, bạn vẫn cần báo với ngân hàng và báo cho công an.

b. Báo công an, an ninh mạng

Sau khi báo cho ngân hàng về việc bạn bị lừa đảo và chiếm đoạt tài khoản, tiền trong tài khoản, bạn cần báo cho phía công an để bộ phận phụ trách an ninh mạng vào cuộc, truy vết số tài khoản mà bạn đã gửi tiền vào. Nếu may mắn, bạn có thể lấy lại số tiền của mình dù rằng có thể sẽ phải đợi khá lâu.

c. Nâng cao nhận thức

Quan trọng nhất, để tránh rơi vào bẫy, bạn cần nâng cao nhận thức về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng internet, tránh share những thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội, không đăng nhập và mở tài khoản ở những website chưa biết rõ, không cung cấp mật khẩu, mã OTP cho bất cứ ai, không truy cập vào các đường link lạ…

Hy vọng những thông tin Vclick chia sẻ về vấn nạn gian lận - giả mạo ngân hàng và lừa đảo tín dụng có thể giúp các bạn bảo vệ tốt nhất cho tài khoản của mình. Hãy đến với Vclick nếu bạn có nhu cầu vay tiền uy tín và đảm bảo nhé.

 

Bảng tính trả góp

Số tiền trả mỗi tháng

7.334.399 đ

Ghi chú: Thông tin tính toán số tiền phải trả hàng tháng như trên chỉ mang tính chất tham khảo và có thể sai lệch nhỏ so với kết quả tính toán thực tế